NAVICO - pH trong ao nuôi có tác động đến sức khỏe của động vật thủy sản trong ao nuôi. Nếu pH trong ao nuôi xuống thấp hoặc tăng cao sẽ làm tôm giảm tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và khiến tôm nuôi dễ mắc bệnh hơn. Bài viết tổng hợp các kiến thức về pH trong ao nuôi cũng như cách kiểm soát pH hiệu quả và kinh tế giúp người nuôi giảm chi phí và tăng năng suất nuôi.
pH - Quan trọng như thế nào trong nuôi tôm cá
pH lý tưởng cho phần lớn động vật thủy sản nằm trong khoảng từ 6.0 – 8,5. Khoảng biến thiên pH nhỏ hàng ngày ở mức trên 8.5 thường xảy ra trong ao nuôi nhưng không gây hại đến tôm nuôi. Tuy nhiên nếu pH trên 9.0 trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng cho tôm nuôi giống như pH xuống thấp dưới ngưỡng tối ưu. Nếu như pH trong ao nuôi nhỏ hơn 6 hoặc lớn hơn 10 thì sẽ gây tử vong cho tôm nuôi cũng như các động vật thủy sản khác.
Hình 1 – Khoảng pH lý tưởng cho nuôi tôm cá nước ngọt, nước mặn.
Chú thích các từ tiếng Anh trong bảng 01:
- Ideal – Khoảng lý tưởng cho nuôi trồng thủy sản
- Death zone – Vùng gây chết (động vật thủy sản)
- Warning – Vùng pH báo động
Hình 2 – Biến thiên chất lượng nước và pH
Chú thích các từ tiếng Anh trong bảng 02
- Comment – Chú thích
- Carbon dioxide – CO2
- Mineral acidity – Acid vô cơ
- No alkalinity – Không kiềm
- Alkalinity from Bicarbonate – Kiềm do bicarbonate
- Acidity from carbon dioxyde – Tính acid do CO2
- No Carbon dioxyde – Không có CO2
- Alkalinity from Bicarbonate and carbonate - Kiềm do bicarbonate và carbonate
- No acidity – Không có tính acid
- Acidity present – (Khoảng) biểu thị acid
- Alkalinity present – (Khoảng) biểu thị kiềm
Nuôi trồng thủy sản và sự dao động pH
Biến động pH hàng ngày trong ao nuôi là kết quả việc mất CO2 cho thực vật quang hợp ban ngày và giải phóng CO2 vào môi trường nước do thực vật hô hấp thải ra vào ban đêm. Vì CO2 trong ao xuất hiện nhiều sẽ có phản ứng tạo acid (H2CO3) nên pH thường thấp nhất vào lúc sáng sớm, đạt cực đại vào khoảng sau giữa trưa và giảm dần cho đến tối (hình 3). Biến thiên pH hàng ngày lớn nếu như mật độ tảo cao, độ kiềm thấp và nước có tính đệm yếu.
Hình 3 - Chu trình pH hàng ngày trong ao nuôi thủy sản
Chú thích các từ tiếng Anh trong bảng 03
- Daylight - Ban ngày
- Night - Ban đêm
- Photosynthesis > respiration: Quang hợp nhiều hơn hô hấp
- No photosynthesis: Không có quang hợp
- Moderate alkalinity: Độ kiềm vừa phải
- Low alkalinity: Độ kiềm thấp
- Noon: Buổi trưa
- Midnight: Giữa đêm
- a.m: ký hiệu giờ giấc buổi sáng
- p.m: ký hiệu giờ buổi chiều
pH hàng ngày cao nhất ở tầng mặt nước có độ chiếu sáng tốt, nơi mà quá trình quang hợp diễn ra nhanh hơn ở tầng nước sâu hơn. Trường hợp nước trong và tảo đáy phát triển thì pH tầng đáy sẽ cao hơn. Tất nhiên, quạt nước trong các ao nuôi thủy sản sẽ giúp xáo trộn nước và ngăn chặn sự khác biệt pH giữa các tầng nước.
Khi pH > 8.3 thì CO2 không tồn tại nhưng tảo vẫn có thể lấy carbon vô cơ từ bicarbonate cho quá trình quang hợp. Loại bỏ carbon từ bicarbonate dẫn đến kết quả giải phóng ion carbonate vào môi trường nước và sự thủy phân carbonate là nguyên nhân làm gia tăng pH.
Trong hầu hết các môi trường nước luôn có đủ Canxi, Magnesium để giới hạn nồng độ carbonate bởi sự kết tủa calcium carbonate, Magnesium carbonate và làm dịu bớt sự gia tăng pH. Tuy vậy, trong môi trường nước thiếu Canxi, Magnesium nhưng tổng độ kiềm cao sẽ làm pH gia tăng đến 10 – 11 vào buổi trưa.
Nguyên nhân chính của sự giảm độ kiềm trong ao nuôi thủy sản là do quá trình nitrat hóa. Amonia nitrogen (NH3) – chất thải chính có chứa ni tơ của động vật thủy sản – bị oxy hóa thành nitrat (NO3) bởi hoạt động của vi khuẩn khử ni tơ. Kết quả là ion hydro sẽ làm trung hòa độ kiềm, giảm khả năng đệm và làm gia tăng khả năng pH thấp vào buổi sáng.
Độ kiềm suy giảm nhanh chóng ở những ao nuôi được xây dựng trên nền đất phèn (acid – sulfate soil) có liên quan đến sắt qua quá trình oxy hóa sắt làm giảm thấp độ kiềm cũng như pH.
Hình 4: Minh họa sự biến đổi pH trong ngày theo độ phong phú của phiêu sinh thực vật trong nước ao nuôi. Mức độ phong phú của phiêu sinh thực vật có thể được gián tiếp đánh giá bằng cách sử dụng đĩa Secchi. Khi có tảo nhiều hơn thì sự biến đổi lớn hơn của giá trị pH trong ngày có thể được dự đoán trước.
pH thấp
Đối với con tôm, nếu pH trong ao nuôi xuống thấp rất dễ gặp tình trạng tôm bị dính chân không thể rút ra khỏi vỏ khi lột xác. Trường hợp này thường gặp phải sau thời gian mưa lớn kéo dài ở các ao nuôi có độ mặn thấp khi nuôi tôm trái vụ vào mùa mưa hoặc những ao nuôi trên những vùng đất nhiễm phèn tiềm tàng. Sau mỗi trận mưa axit từ bờ ao bị rửa trôi, xả xuống làm pH giảm, thậm chí ngay cả khi đáy ao đã được xử lý cải tạo tốt từ ban đầu.
* Cách xử lý khi pH trong ao nuôi tôm xuống thấp
Khắc phục hiện tượng trên cần kiểm tra chất lượng nước thường xuyên. Nếu pH giảm thấp dưới 6.5 cần xử lý ngay tránh hiện tượng tôm cá chết đột ngột do pH.
Phương pháp xử lý tăng pH nhanh:
Để 1.000 m3 nước ao nuôi tăng pH từ 6.5 lên 7.5 ta dùng phương pháp và liều lượng như sau: Dùng 0.5 kg vôi sống CaO hoặc vôi tôi Ca(OH)2 cho vào 19-21 lít nước sạch ( tinh khiết nhất có thể) khoáy đều, để 1 - 2 giờ đồng hồ cho lắng hết cặn xuống bên dưới, lọc phần nước trong bên trên ta có dung dịch nước vôi trong. Pha loãng 19-20 lít nước dung dịch trên với 80 - 100 lít nước ao nuôi tạt đều khắp ao nuôi, bật quạt mạnh để nước phân tán đều. Sau 1-2 giờ đo lại pH.
* Lưu ý: Đá vôi CaCO3, Dolomite CaMg(CO3)2 giúp ổn định pH, hệ đệm của đất tốt nhưng độ hòa tan thường kém không có tác dụng tăng pH trong ao nuôi thuỷ sản.
pH cao
pH nước quyết định tỷ lệ các dạng ammonia trong nước ao. Ở pH thấp, dạng NH4+ ít độc chiếm ưu thế (Hình 5). Tuy nhiên, khi pH tăng thì NH4+ sẽ chuyển sang dạng độc hại và làm tăng nồng độ NH3 trong nước. Trong nước ngọt, ở pH = 7,0 chỉ có 0,7% ammonia tổng số ở dạng NH3 độc. Khi pH = 9,0 tỷ lệ này tăng lên đến khoảng 42% và ở pH = 10 là 88% (Hình 5).
Hình 5. Tỷ lệ % của ammonia dạng NH3 độc so với ammonia tổng số theo pH ở nước ngọt (0‰) và nước mặn (36‰) ở 28oC. Nồng độ tối đa của ammonia tổng số trong nước để NH3 không vượt quá 0,2 ppm.
Mức gây chết (LC50 – 96h) của ammonia độc đối với cá từ 1 - 3 ppm NH3.
Mức gây chết (LC50 – 96h) của ammonia độc đối với tôm từ 0,7 - 1,2 ppm NH3.
Ảnh hưởng của pH đối với hệ sinh thái ao nuôi và sức khỏe tôm
Đối với hệ sinh thái:
- Khi pH quá cao thường sẽ làm trong nước, khó gây màu và thủy sinh vật đáy phát triển và tạo ra biến động pH trong ngày rất lớn. Nguồn nước này không phù hợp cho nuôi tôm, cần có biện pháp tổng thể để xử lý.
- Đối với ao bạt pH nước cao còn làm kết tủa các hợp chất khác gây ra cáu cợn, bùn nổi làm sức khỏe tôm bị yếu đi.
- Tảo quang hợp và phát triển mạnh gây ra dao động pH điều này cho thấy môi trường bị phú dưỡng và thành phần loài của tảo thay đổi theo chiều hướng không tốt (ví dụ: ao bị tảo lam thường có pH rất cao).
Đối với sức khỏe tôm:
- Khi pH vượt ngưỡng có ảnh hưởng bất lợi trên tôm như làm tôm chậm lột, suy giảm miễn dịch, stress.
- Mất cân bằng áp suất thẩm thấu.
- Suy giảm khả năng trao đổi khí ở mang.
- Làm chậm hoặc không liên tục quá trình trao đổi chất.
- Làm biến đổi độc tính của những chất khác trong nước, đặc biệt là các loại khí độc NH3, NO2, H2S,…
- Thiệt hại kinh tế đáng kể là do tăng trưởng chậm, chu kỳ sản xuất kéo dài, FCR tăng cao, tăng tỷ lệ mắc các bệnh do vi khuẩn đặc biệt và Vibrio spp.
Phương pháp giảm nhanh pH
- Khi pH tăng cao nhất là lúc 2:00 - 3:00 giờ trưa có thể dùng phương pháp giảm nhanh pH là cung cấp vào nước nguồn H+ (ví dụ: acid citric, acid lactic,...).
-Với ao nuôi 1.000 m3 nước để hạ pH từ 9 xuống 8 ta có thể dùng 700gr acid citric monohydrate pha loãng với 40-50 lít nước ao, tạt đều khắp ao, bật quạt mạnh để nước phân tán đều. Sau 1-2 giờ đo lại pH.
- Ngoài ra có thể làm giảm pH bằng ứng dụng dùng mật đường, bột gạo kết hợp với sục khí vi sinh cũng là một giải pháp hiệu quả, nhưng cần thời gian, không tăng nhanh tức thời để cấp cứu tôm.
- Và 1 phần trong biến động pH còn do độ kiềm trong nước thấp. Do vậy khi mật độ tảo quá cao cần ưu tiên cho việc thay nước, giảm tảo bằng các biện pháp hóa học hoặc sinh học và nâng độ kiềm luôn ở mức > 120 mg/lít.
Tác giả: ATA
12/10/2020
Tài liệu tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/PH
http://vinhthinhbiostadt.com/vi/thong-tin-ky-thuat/quan-ly-ph-de-duy-tri-suc-khoe-dong-vat-thuy-san-36.html
https://tepbac.com/tin-tuc/full/ph-quan-trong-nhu-the-nao-trong-nuoi-tom-ca-20364.html