Tảo hay gọi chung là thủy sinh thực vật là một thành phần không thể thiếu trong nuôi tôm. Tuy nhiên tảo cũng như những yếu tố khác, có mặt tốt và mặt xấu. Nếu tảo có lợi phát triển ưu thế và ở mức vừa phải thì không có gì phải bàn cãi, còn ngược lại tảo độc chiếm lượng lớn thì sẽ gây hại đến tôm qua đường tiêu hóa cũng như làm ô nhiễm môi trường nước nuôi.
Đầu tiên phải kể đến những lợi ích mà tảo mang lại. Những loại tảo có lợi như tảo khuê, tảo lục sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của tôm, hơn nửa chúng sẽ đóng vai trò như một hệ thống lọc sinh học trong môi trường nước. Nhờ đó giúp ổn định các thông số môi trường.
Tảo là thực vật nên sẽ thực hiện quá trình quang hợp khi có ánh sáng để tạo ra oxy hòa tan, bên cạnh đó tảo cũng sẽ hô hấp bằng cách sử dụng oxy để tạo ra CO2 cả ngày lẫn đêm. Đây là nguyên nhân giải thích tại sao tôm thường có hiện tượng nổi đầu vào sáng sớm. Sự quang hợp chỉ diễn ra vào ban ngày, tạo một lượng oxy lớn trong khi hô hấp xảy ra cả ngày lẫn đêm. Ban đêm khi tôm và tảo trong ao sử dụng hết lượng oxy mà quang hợp chưa diễn ra khi thì tôm sẽ tập trung thành đàn và nổi đầu kéo dài trên mặt nước. Vì vậy việc quạt nước cho tôm vào ban đêm là vô cùng quan trọng khi nuôi thâm canh với mật độ cao.
Biến động của DO dưới tác dụng của tảo trong ngày/đêm.
Khi tảo có lợi phát triển ở mức cho phép, chúng sẽ giữ ổn định nhiệt độ nước cho tầng đáy bằng cách che phủ phần nào bề mặt ao khỏi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Cường độ ánh sáng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phân hủy chất hữu cơ trong ao, trong khi tảo có lợi phát triển sẽ tạo ra một màng phiêu sinh ngăn cản gián tiếp sự tích lũy của các chất độc có hại cho tôm. Tảo cũng có khả năng hấp thu ion NH4+, phần nào làm giảm khí amoniac gây độc cho tôm. Trường hợp tảo lục, tảo khuê phát triển mạnh sẽ không gây ra hiện tượng nở hoa như các loại tảo độc và nếu tảo có lợi ưu thế hơn thì chắc chắn sẽ hạn chế được sự phát triển của tảo có hại.
Tảo lam, tảo giáp, tảo mắt là những loại tảo có hại trong ao. Vì tảo cũng là thức ăn, mà tôm thì không thể phân biệt được tảo nào có lợi và tảo nào có hại. Nên khi tôm ăn vào các loại tảo trên có thể bị ngộ độc, mắc các bệnh đường ruột và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh khác tấn công, gây bệnh nặng hơn. Các tế bào tảo lam, tảo giáp rất dễ bị mắc kẹt trong đường ruột và mang tôm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp và tiêu hóa.
Khác với tảo khuê, tảo lục, khi tảo có hại phát triển quá mức sẽ dẫn tới hiện tượng nở hoa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tôm cũng như môi trường nuôi. Tảo sẽ cạnh tranh với tôm nuôi về mặt oxy và dinh dưỡng. Vì vậy không thể để hiện tượng này xảy ra trong ao, nên áp dụng các biện pháp phòng trị khi vừa phát hiện có tảo độc xuất hiện. Hơn nửa, một khi tảo tàn sẽ làm môi trường nước bị ô nhiễm nặng, sản sinh ra nhiều độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe và tăng trưởng của tôm.
Tảo có hại cũng quang hợp và hô hấp. Tuy nhiên việc này ảnh hưởng trực tiếp đến độ pH và quá trình hình thành các khí độc trong ao. Những khí độc này đều rất nhạy cảm đối với tôm cũng như môi trường sống của chúng. Nếu độ pH tăng lên quá cao hoặc xuống quá thấp đều không tốt cho sự phát triển của tôm. Mà pH thay đổi là do hàm lượng CO2 trong các quá trình quang hợp và hô hấp của tảo.
Một số loại tảo có hại có chứa độc tố, sẽ tích lũy vào trong cơ thể tôm và phát độc trong thời gian ngắn. Nguy hiểm hơn, các loại độc tố này có thể ảnh hưởng đến cả con người trên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và gan.
Tuy tảo có nhiều tác hại nhưng cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà tảo mang lại trong ao nuôi tôm thâm canh. Chính vì vậy, người nuôi cần quản lý tảo thật thận trọng, theo dõi màu nước thường xuyên để có những xử lý phù hợp với tình hình phát triển hiện tại của tảo.
TÉP BẠC
18/02/2020